Nghề nuôi chim yến bùng phát khắp nơi nhưng sản lượng tổ yến thu hoạch rất thấp so với các nước trong khu vực.
Chiều 20-4 tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị quản lý và phát triển nuôi chim yến. Tại đây, các ý kiến cho rằng nghề nuôi chim yến lâu nay phát triển mạnh nhưng lại tự phát, không theo quy hoạch nào.
Bùng phát nghề nuôi yến
Báo cáo từ Cục Chăn nuôi cho thấy lượng yến tại Việt Nam dù phát triển mạnh nhưng sản lượng tổ yến cũng chỉ khoảng 10 tấn/năm, trong khi Malaysia và Thái Lan từ 60-70 tấn, riêng Indonesia là 100 tấn.
Theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh, thành, hiện cả nước có 23/63 tỉnh, thành nuôi chim yến với 4.283 nhà yến, nhiều nhất là vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo những người trong nghề thì con số nhà yến phải lên đến 20.000.
Đại diện Cục Chăn nuôi đánh giá phong trào nuôi chim yến thời gian qua lan rộng khắp nơi, ở đâu người dân cũng có thể tận dụng để nuôi. Thấy có yến về là họ làm nhà để dẫn dụ. Tuy nhiên, không phải ai làm nhà yến cũng thành công, có nhà chỉ cần mở âm thanh lên là yến về ngay nhưng có nhà hoạt động nhiều tháng trời mà chẳng thấy yến đâu.
Ông Phạm Văn Hoang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết dù địa phương không thuận lợi để nuôi yến như những vùng khác nhưng chỉ 2 năm qua đã có 296 nhà yến được xây dựng và vẫn còn nhiều cơ sở đang tiếp tục xây. “Chim yến chỉ vào khu đô thị, còn làm ở xa khu dân cư thì chim không tới. Chẳng hạn như tại khu vực Phước Long, chỉ cần mở máy lên là có yến vào, nơi khác trong vùng đợi đến một vài tháng cũng chẳng thấy” – ông Hoang nói.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết địa phương chỉ mới mấy năm mà đã có hơn 600 nhà yến cho thấy khai thác chim yến rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc quản lý nuôi chim yến còn nhiều bất cập. “Chẳng hạn, ai quản lý về tiếng ồn? Chưa hết, cần phải xác định lại chim yến là vật nuôi hay thú hoang dã, giao cho ai quản lý, thú y, kiểm lâm hay bên môi trường? Việc nuôi hay dẫn dụ yến cũng phải xác định rõ ràng. Người dân nói không có nuôi vì nuôi là phải có con giống, cho ăn, cũng như nhốt lại. Trong khi đó, họ không nhốt, không cho ăn cũng không có con giống. Còn việc quy hoạch nếu không khéo sẽ không có hiệu quả vì chim yến thích vào thì vào chứ không thể mang đi được” – ông Khánh đặt vấn đề.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tỉnh hiện có 285 nhà yến, trong đó nhiều nhà yến ngay trong TP Quy Nhơn. Quy mô mỗi nhà yến từ 100-500 tổ. Hầu hết đều tự phát theo mô hình hai trong một, tức theo kiểu chim yến nuôi ở tầng trên, còn gia đình ở tầng dưới. Hệ thống âm thanh dẫn dụ yến hoạt động suốt ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường từ chất thải, tiếng ồn đến nguy cơ dịch bệnh. “Việc xây dựng quy hoạch có chủ trương rồi nhưng khi triển khai lại không dễ. Bộ NN-PTNT cần xem xét sớm sửa đổi bổ sung, điều chỉnh Thông tư 35 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Trong đó có việc cấm nuôi yến trong đô thị, khu dân cư; xây dựng mới nhà dẫn dụ nuôi chim yến phải đăng ký với cơ quan chức năng và phải được cấp giấy chứng nhận; quy định lộ trình chuyển các cơ sở…” – ông Diệp đề nghị.
Quản lý chưa theo kịp
Theo Sở NN-PTNT TP HCM, từ năm 2016 đã tổ chức thí điểm nuôi chim yến tại huyện Cần Giờ với 10 hộ, diện tích 200 m2/nhà. Sau đó, có nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến tại các quận nội thành, trong khu dân cư tập trung. Tính đến cuối năm 2017, có 513 nhà yến được nuôi tại 19 quận – huyện, riêng Cần Giờ đã có đến 231 nhà yến. “Cái khó lâu nay là Bộ NN-PTNT chưa ban hành các quy định về khai báo kiểm dịch, quy trình kiểm dịch trong khai thác, sơ chế, chế biến tổ yến và các sản phẩm chế biến từ yến. Chưa có chế tài xử lý đối với cơ sở nuôi chim yến không chấp hành việc khai báo, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường” – đại diện cơ quan này nêu.
Ông Nguyễn Lương Thao, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, cho rằng nhà nước không nên quá cứng nhắc trong quản lý nghề nuôi chim yến. Ông đặt hàng loạt câu hỏi: Tại sao không cho nuôi yến trong dân? Tại sao phải quy hoạch nghề nuôi yến về nông thôn?… “Chim yến chỉ mới khai thác, chứ chưa có nuôi nên đừng đòi hỏi quá cao. Khánh Hòa quy hoạch rất sớm về nghề nuôi chim yến với tiêu chí là bảo vệ môi trường nhưng vẫn bảo đảm làm sao cho chim phát triển” – ông Thao phân tích.
Theo ông Phạm Văn Hoang, làm quy hoạch nghề nuôi chim yến là cần thiết nhưng yến có đến hay không thì phải tính. Nếu lấy kinh phí quy hoạch xong họ lại đi thì làm sao, chim trời cá nước nó không về thì sao?. Cục Chăn nuôi cũng chưa có tham mưu cho bộ, thông tư đưa ra nhưng không thực hiện được, không tháo gỡ được nên cần có giải pháp.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết yến là ngành hàng đầy tiềm năng nhưng cơ quan quản lý chưa theo kịp để hỗ trợ có hiệu quả cho ngành phát triển. Khoa học công nghệ cũng yếu, chưa có xuất khẩu chính ngạch, thương hiệu chưa có, giá trị mang lại chưa cao. Cho dù đã có Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhưng chưa tạo được trung tâm đoàn kết, chưa tập hợp được các doanh nghiệp lớn thì làm sao thành công được.
Ông Tám đề nghị Cục Chăn nuôi kết hợp với hiệp hội và doanh nghiệp lớn để cải tổ lại hiệp hội này, quyết không vì một số cá nhân làm cho hiệp hội yếu đi. Doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò trụ cột trong hiệp hội, đổi mới nâng cao năng lực quản lý. Giao Cục Chăn nuôi cũng cần kết hợp với một số doanh nghiệp lớn tổ chức đoàn đi khảo sát nước ngoài để làm thị trường, xây dựng hoàn thiện thể chế cơ chế quản lý. Đồng thời, bộ cũng sẽ rà soát các thể chế quản lý nhà nước về nghề nuôi chim yến để quản lý tốt môi trường, dịch bệnh. “Cần tiến thẳng vào công nghệ cao nhất, xây dựng trình Quốc hội Luật Chăn nuôi, sửa Nghị định 66, bổ sung thông tư 35. Không vì thiếu cơ chế mà làm ảnh hưởng đến phát triển nuôi chim yến. Tập trung công tác thị trường, hỗ trợ thương hiệu. Ưu tiên thị trường nội địa rất tiềm năng” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám thẳng thắn.
Giảm kiểm tra nhưng phải bảo đảm an toàn thực phẩm
Cùng ngày, tại hội nghị chuyên đề quản lý an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định 15/2018 về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng do Bộ NN-PTNT tổ chức, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ giải quyết bài toán giảm tần suất kiểm tra DN nhưng vẫn bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân bằng cách quản lý thực phẩm theo mối nguy, theo chuỗi, giảm thủ tục hành chính cho DN.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong quản lý an toàn thực phẩm năm 2018 là nâng cao nhận thức cho người sản xuất ban đầu, xóa bỏ tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” (tức sản xuất sạch cho nhà ăn còn sản xuất không an toàn để bán). Ngành nông nghiệp sẽ tập trung quản lý các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dư lượng hóa chất kháng sinh trong thủy sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Đối với hàng tiêu dùng trong nước, tập trung quản lý các mặt hàng tươi sống, các mặt hàng sơ chế như hải sản khô tẩm ướp không bảo đảm an toàn thực phẩm… vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Liên quan đến Nghị định 15/2018 về thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hiện nhiều địa phương lúng túng do các văn bản luật liên quan chưa thay đổi đồng bộ. Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh Bình Dương nhận xét các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao nhưng chỉ yêu cầu cơ sở cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm là chưa ổn. “Như trường hợp giò chả sử dụng hàn the (chất cấm) hay ngâm rau muống bào với thuốc nhuộm đều xuất phát từ các cơ sở nhỏ lẻ” – vị này dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, hiện vẫn chưa có phương thức quản lý tốt hơn và đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền vận động các cơ sở nhỏ lẻ tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Theo Nguyễn Hải
Người lao động